Rạp Đại Nam - không gian đẹp cho những... tiệc cưới.

Ăn ngon, hát hay, không gian đẹp


Một bạn trẻ có tên Lan đã rất hài lòng khi tới ăn cưới tại rạp Đại Nam- nơi những tưởng người ta chỉ đến để xem Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn. 'Vừa rồi, mình đi đám cưới đứa bạn ở đây, công nhận là không gian nhìn đẹp thật, đồ ăn nóng và ngon ra phết. Cô dâu chú rể nào muốn chi phí phải chăng mà không gian đẹp thì lựa chọn ở đây khá ok đấy', cô chia sẻ trên trang web cẩm nang mùa cưới.

Một không gian đẹp với ánh đèn ngọt, sáng rạng rỡ luôn là thế mạnh của không gian sảnh các nhà hát, trung tâm nghệ thuật biểu diễn. Đương nhiên, âm thanh được các nghệ sĩ xử lý chuyên nghiệp càng khác xa với việc hát riêng với nhau tại quán ka-ra-ô-kê hay hội trường cơ quan.

Vì thế, các nghệ sĩ quần chúng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hẳn cũng rất hài lòng với không gian Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Âu Cơ khi tổ chức hội diễn 'Tiếng hát những người đi tìm lửa' kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống ở đó. Trong khuôn hình ngoài sảnh trung tâm, những nụ cười tươi rói trên môi đội văn nghệ. Hậu cảnh tấm hình là chân dung những nghệ sĩ đã làm nên tên tuổi Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam- chủ nhân chính thức của trung tâm biểu diễn này.

Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Âu Cơ cũng trở nên quen thuộc với nhiều hoạt động của Đài Truyền hình Việt Nam mà chương trình chung kết năm của Đồ rê mí là một thí dụ. Với lượng khán giả nhí quá đông đảo, các trường quay của Đài không thể đáp ứng nổi, trung tâm là lựa chọn số một nhờ địa thế và các điều kiện kỹ thuật.

Ít sáng đèn cho nghệ thuật


Nhưng đèn ở những địa điểm trên được bật sáng cho các hoạt động 'ngoại khóa' nhiều bao nhiêu, thì sáng cho hoạt động của nhà hát chủ quản lại ít bấy nhiêu.

Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam hiện chưa có chương trình biểu diễn định kỳ tại chính trụ sở của mình. Theo lịch biểu diễn, trong chín tháng đầu năm nay, nhà hát chỉ có 11 chương trình biểu diễn. Trong số đó, cũng chỉ có bảy chương trình được diễn tại Trung tâm Âu Cơ. Như vậy, trung bình nhà hát sử dụng trụ sở để biểu diễn chưa đến một đêm/tháng.

Tất nhiên, bên cạnh những chương trình tại đại bản doanh, nhà hát còn có những chương trình nghệ thuật lưu diễn. Mới đây nhất, nhà hát đã mang 'Hồn sen Việt' sang Na Uy trong khuôn khổ 'Những ngày văn hóa du lịch Việt Nam' tại Đan Mạch và Na Uy. Trước đó, cuối tháng 10, nhà hát cũng xây dựng và biểu diễn chương trình nghệ thuật trong lễ xuất quân Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 26. Mặc dù vậy, sự thiếu thốn chương trình phục vụ khán giả thường xuyên cũng không khỏi khiến những người yêu mến nhà hát ngậm ngùi.

Ông Trương Ngọc Xuyên, Phó Giám đốc nhà hát cho biết: 'Nhiều đơn vị muốn tổ chức các hoạt động ở nhà hát và chúng tôi cũng tạo điều kiện. Về phần mình, nhà hát cũng thường xuyên dựng các chương trình mới. Các chương trình này phần lớn được dàn dựng công phu với cả múa và hát. Tuy nhiên, cũng vì công phu và số lượng ghế ngồi lớn nên cũng khó tổ chức được liên tục.'

Nhưng như thế cũng vẫn còn hơn lịch diễn của Nhà hát chèo Hà Nội nhiều lần. Sân khấu rạp Đại Nam ở phố Huế đã nguội lạnh từ rất lâu, kể từ 'chiến dịch' quốc tế thiếu nhi với vở 'Ăn khế trả vàng' và 'Quả táo thần'. Và cho dù nóng tới sáu xuất diễn một ngày trong tháng 5, 'Quả táo thần' cũng không thể tiếp tục hút khách. Rạp Đại Nam cũng chỉ lác đác tiếng hát chèo từ bấy đến giờ.

Lịch diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam tại rạp Kim Mã cũng rất ít. Ông Hà Quốc Minh, Giám đốc nhà hát cho biết: 'Chúng tôi chỉ diễn hai buổi sân khấu nhỏ, một buổi sân khấu lớn mỗi tháng'.

Khán giả nào sân khấu ấy


'Chúng ta đang ở trong một thời kỳ lạnh lẽo của thưởng thức nghệ thuật. Nếu so sánh với thời Nhà hát Hà Nội sáng đèn liên miên trước đây sẽ thấy thói quen đến rạp của khán giả đã bị đứt gãy', nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam nhận định- 'Sự đứt gãy này không chỉ diễn ra ở các loại hình nghệ thuật dân tộc mà cả những nghệ thuật khác như nhạc nhẹ, kịch nói... Giờ đây, khán giả không có thói quen thường xuyên đến rạp nữa. Họ cũng không còn thói quen đón chờ một đêm diễn hay. Cùng với điều đó, không chỉ gu thưởng thức của khán giả đi xuống mà đời sống diễn viên cũng lao đao'.

Khi các nhà hát phải tự lo cho cuộc sống của diễn viên, việc tận dụng cơ sở vật chất để kinh doanh hoàn toàn không phải là điều xấu hay vi phạm pháp luật. Nhưng sự năng động đó đáp ứng nhu cầu kinh tế hơn là nhu cầu sáng tạo nghệ thuật vốn là kim chỉ nam cho sự ra đời, tồn tại và hoạt động của mọi nhà hát.

'Tôi nghĩ, điều mãi mãi đúng là khán giả nào sân khấu ấy. Khi công chúng không mặn mà với nhà hát thì nhà hát lạnh lẽo là đương nhiên. Chúng ta khó có thể có lại được văn hóa thưởng thức nghệ thuật nếu khán giả không được đào tạo. Và việc đào tạo đó phải được thực hiện từ bậc giáo dục phổ cập thấp nhất là nhà trẻ'- PGS,TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định.

Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch):




Theo Nghị định 53 của Thủ tướng Chính phủ, quy định đối với các đơn vị nghệ thuật trực thuộc bộ mà đã có địa điểm biểu diễn thì được tự chủ về hoạt động và tài chính. Như vậy, đòi hỏi các đơn vị này phải tự vận động, làm sao để có tác phẩm hay, thường xuyên 'đỏ đèn' ở các rạp. Đối với các nhà hát chưa có rạp thì bộ sẽ căn cứ trên cơ sở đề án quy hoạch của Chính phủ để giải quyết. Trong tình hình chung đang rất khó khăn về quỹ đất và phân bổ địa điểm như hiện nay, có thể một vài năm tới bộ chưa thể giải quyết cơ bản vấn đề này được. Theo tôi, giải pháp để khắc phục thực trạng vừa thừa vừa thiếu các điểm biểu diễn: trước hết cần tập trung quy hoạch lại tổng thể các điểm biểu diễn công lập, triển khai đề án quy hoạch của Chính phủ đã phê duyệt, đào tạo lại đội ngũ tác giả - diễn viên, và khẩn trương thực hiện các chế độ chính sách đầu tư cho văn hóa một cách nghiêm túc.


NSƯT Trương Nhuận, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ:




Nhìn chung về các điểm biểu diễn nghệ thuật ở những thành phố lớn nằm trong tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa ở chỗ nhiều nhà hát (cả cũ và mới xây dựng gần đây) đều chưa được sử dụng hết công suất; còn nhiều chương trình thu hút rất đông khán giả thì lại thiếu những điểm biểu diễn lý tưởng. Có một phần nguyên nhân là do quy hoạch xây dựng và kiến trúc chưa chuẩn với yêu cầu công năng; nhưng theo tôi, trước hết là do không có chương trình biểu diễn, không tạo ra được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả và chưa có chương trình hay để thu hút công chúng đến các nhà hát. Với các hoạt động biểu diễn ngoài trời, phục vụ miễn phí lại thu hút rất đông khán giả. Qua đó cho thấy nhu cầu xã hội là có, cái chính là Nhà nước cần phải có các dự án hỗ trợ, hưởng ứng các hoạt động văn hóa để tạo ra nhu cầu thường xuyên cho công chúng. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ, các nhà tổ chức cũng phải năng động để có những chương trình hấp dẫn hơn.


http://www.baomoi.com/Khi-nha-hat-khong-de-hat/52/7519359.epi